Cuộc đời và sự nghiệp Arthur_Honegger

Arthur Honegger hồi nhỏ rất yêu thích âm nhạc. Khi có 10 tuổi, câu bé Honegger đã thử sáng tác Những sonate và có thể tự học lấy ký âm pháp, ít lâu sau thì theo học violin. Từ năm 1909 đến năm 1911, nhà soạn nhạc trẻ tuổi người Thụy Sĩ đến và sống tại Zurich, đồng thời học môn lý thuyết âm nhạc ở các nhạc viện địa phương. Sau khoảng thời gian đó, Honegger đến Pháp và bước chân vào cổng Nhạc viện Paris. Ở đây, Honegger có một người bạn và là người đồng nghiệp mới, Darius Milhaud, nhà soạn nhạc người Pháp cũng sinh năm 1892. Từ đây, tình bạn giữa hai người nảy nở và đó là một trong các nhân tố thúc đẩy sự xuất hiện của nhóm nhà soạn nhạc Les Six (Nhóm 6 người), một nhóm các nhà soạn nhạc chất Pháp cũng nổi bật không kém gì so với nhóm Hùng mạnh của Nga thời kỳ âm nhạc Lãng mạn. Những năm 1915-1917, Arthur Honegger sáng tác nhiều tác phẩm thanh nhạc dựa trên thơ ca Pháp hiện đại. Trong những tác phẩm này, Honegger thể hiện rõ mình chịu ảnh hưởng của Claude DebussyMaurice Ravel, những nhà soạn nhạc của chủ nghĩa ấn tượng. Năm 1917, ông bắt đầu nổi tiếng với bản tứ tấu đàn dây. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, nhà soạn nhạc Thụy Sĩ gặp gỡ và kết bạn với một số nhà soạn nhạc của Pháp ngoài Milhaud. Những người bạn đó của Honegger chính là những thành viên bên cạnh Honegger và Milhaud của Nhóm 6 người. Năm 1926, Honegger nổi tiếng thế giới với vở thanh xướng kịch (oratorio) Vua David có đề tài xuất phát từ thánh thư. Năm 1936, ông gia nhập Liên đoàn âm nhạc nhân dân Pháp. Ông cùng Milhaud viết nhạc cho vở kịch nói Ngày 14 tháng 7 của Romain Rolland. Trong thời kỳ phát xít Đức chiếm nước Pháp, Honegger viết Khúc ca giải phóng. Ngoài ra, trong và sau Thế chiến II, Honegger nổi bật với các bản giao hưởng số 2 (1941), số 3 (1946) và số 5 (1950). Hai bản số 2 và 3 được gọi là "những bản giao hưởng chiến tranh". Đến năm 1953, sức khỏe của nhà soạn nhạc người Thụy Sĩ suy giảm và 2 năm sau ông qua đời tại thủ đô tráng lệ Paris.[1]